Đau và chảy máu khi đại tiện do nứt kẽ hậu môn

Ngày đăng: 26 Tháng Hai, 2021

Đau và chảy máu khi đại tiện do nứt kẽ hậu môn

NỨT KẼ HẬU MÔN

ĐỊNH NGHĨA

Nứt kẽ hậu môn là một vết rách nhỏ trên da ở đường viền lỗ hậu môn. Nứt kẽ hậu môn thường gây đau dữ dội và đi ngoài ra máu. Nứt kẽ hậu môn khá phổ biến trong dân số nói chung, nhưng thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác cũng gây đau và đi ngoài ra máu, như trĩ.

90% nứt kẽ hậu môn xảy ra ở đường giữa sau của hậu môn với khoảng 10-15% xảy ra ở đường giữa trước. Một số ít bệnh nhân có thể bị nứt ở cả vị trí phía trước và phía sau.

(Nguồn: internet)

TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP CỦA BỆNH NỨT KẼ HẬU MÔN LÀ GÌ ?

Các triệu chứng điển hình của nứt hậu môn bao gồm ĐAU và ĐI TIÊU RA MÁU

Bệnh nhân ghi nhận cơn đau dữ dội trong lúc đi ngoài và đặc biệt là sau khi đi tiêu, kéo dài từ vài phút đến vài giờ.

(Nguồn: internet)

Bệnh nhân có thể nhận thấy máu đỏ tươi từ hậu môn có thể nhìn thấy trên giấy vệ sinh hoặc trên phân, lượng ít.

(Nguồn: internet)

Giữa các lần đi ngoài, bệnh nhân nứt kẽ hậu môn thường tương đối không có triệu chứng. Nhiều bệnh nhân sợ đi ngoài và có thể cố gắng tránh né sau một lần đau, làm nặng thêm tình trạng táo bónnứt kẽ hậu môn.

CÁC NGUYÊN NHÂN THƯỜNG GẶP CỦA NỨT KẼ HẬU MÔN

Nứt kẽ hậu môn thường do sang chấn thương lớp lót trong của hậu môn.

  • Đi tiêu phân khô cứng thường là nguyên nhân, nhưng phân lỏng và tiêu chảy cũng có thể gây nứt hậu môn.
  • Tổn thương mô hậu môn gây ra đau dữ dội, dẫn đến co thắt cơ vòng hậu môn và tăng áp lực cơ vòng hậu môn.                                                               
  • Sự gia tăng áp lực cơ thắt hậu môn dẫn đến giảm lưu lượng máu đến vị trí bị thương, làm cho chỗ nứt kẽ hậu môn lâu lành. Việc đi ngoài liên tục dẫn đến đau nhiều hơn, co thắt hậu môn nhiều hơn, lưu lượng máu đến khu vực này giảm đi và thành vòng lẩn quẩn.
  • Các chiến lược điều trị nhằm làm cắt đứt vòng lẩn quẩn này để thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương vết nứt.
  • Nứt kẽ hậu môn có thể cấp tính hoặc mãn tính (kéo dài hơn 8 – 12 tuần). Nứt kẽ hậu môn cấp tính có thể xuất hiện như một vết rách đơn giản ở hậu môn, trong khi các vết nứt mãn tính có thể có sưng tấy và xuất hiện mô sẹo. Các vết nứt kẽ mãn tính có thể khó điều trị hơn và cũng có thể có một cục thịt bên ngoài liên quan đến vết rách, được gọi là chốt canh hoặc da thừa ngay bên trong ống hậu môn.
  • Khá phổ biến, nứt kẽ hậu môn được bệnh nhân hoặc bác sĩ ban đầu chẩn đoán nhầm là bệnh trĩ do một số triệu chứng tương tự giữa hai bệnh này. Sự chậm trễ trong chẩn đoán này có thể dẫn đến một vết nứt cấp tính trở thành một bệnh mãn tính và do đó, khó điều trị hơn.

(Nguồn: internet)

  • Chẩn đoán sai là nứt kẽ hậu môn cũng có thể làm ta không phát hiện và điều trị được các bệnh lý nghiêm trọng khác, chẳng hạn như nhiễm trùng nặng hoặc thậm chí ung thư. Những nguyên nhân ít phổ biến hơn gây ra nứt kẽ hậu môn bao gồm tình trạng viêm và một số bệnh nhiễm trùng hoặc khối u ở hậu môn, chẳng hạn như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, giang mai, bệnh lao, bệnh bạch cầu, HIV / AIDS hoặc ung thư hậu môn. Những bệnh này gây ra các nứt kẽ hậu môn không điển hình nằm ngoài đường giữa, gồm nhiều đường nứt, không đau hoặc không lành sau khi điều trị thích hợp.

(Nguồn: internet)

CÁCH CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ NỨT KẼ HẬU MÔN

Đa số các trường hợp nứt kẽ hậu môn không cần phẫu thuật. Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho nứt hậu môn cấp tính bao gồm

  • Làm tăng khối phân của người bệnh bằng chế độ ăn nhiều chất xơ cũng như thực phẩm bổ sung chất xơ (tổng cộng 25-35 gam chất xơ /ngày).
  • Thuốc làm mềm phân và tăng lượng nước uống vào có thể cần thiết để thúc đẩy nhu động ruột và hỗ trợ quá trình chữa bệnh.
  • Thuốc làm tê tại chỗ, chẳng hạn như lidocain, có thể được sử dụng để giảm đau hậu môn.
  • Ngâm hậu môn trong bồn nước ấm trong 10 – 20 phút nhiều lần mỗi ngày (đặc biệt là sau khi đi ngoài) để làm dịu và thư giãn cơ hậu môn, giúp quá trình lành vết thương .
  • Thuốc giảm đau gây nghiện không được khuyến khích đối với các vết nứt kẽ hậu môn, vì chúng thường gây táo bón.

Các biện pháp không phẫu thuật này sẽ giúp giải quyết cơn đau và chảy máu, có khả năng chữa lành hơn một nửa số vết nứt kẽ cấp tính mà hầu như không có tác dụng phụ.

Các loại thuốc khác có thể được kê đơn, khi bệnh nhân bị nứt kẽ mãn tính, nhằm thúc đẩy thư giãn cơ vòng hậu môn. Các vết nứt kẽ mãn tính thường khó điều trị hơn và bác sĩ có thể tư vấn phẫu thuật như một phương pháp điều trị ban đầu hoặc sau những biện pháp khác.

THUỐC ĐIỀU TRỊ CÓ THỂ ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH  

  • Thuốc mỡ nitroglycerin. Là một loại thuốc thường được để điều trị cả vết nứt hậu môn cấp tính và mãn tính. Nitroglycerin tác dụng bằng cách làm giãn cơ vòng hậu môn, làm giảm áp lực cơ vòng và sau đó làm tăng lưu lượng máu đến vị trí bị thương, dẫn đến chữa lành chổ nứt. 50% nứt kẻ hậu môn mãn tính lành khi sử dụng thuốc mỡ chung với các biện pháp không phẫu thuật đã đề cập ở trên, chẳng hạn như tăng lượng chất xơ và uống nước. Tác dụng phụ chủ yếu của nitroglycerin là nhức đầu, được báo cáo ở ít nhất 20-30% bệnh nhân. Ngoài ra có thể bị tụt huyết áp, nên lưu ý khi đang dùng các thuốc hạ áp khác. Thời gian sử dụng Nitroglycerin có thể thay đổi tùy đối tượng và có thể được sử dụng lại lâu dài nếu trong trường hợp chưa lành. Tỷ lệ tái phát với nitroglycerin cao hơn so với phẫu thuật, nhưng tác dụng phụ ít hơn.
  • Thuốc ức chế canxi. Gồm có diltiazem và nifedipine. Cả hai đều có tác dụng tương tự như thuốc mỡ nitroglycerin và chữa lành vết nứt hậu môn mãn tính ở 65% đến 95% bệnh nhân. Tác dụng phụ tương tự như nitroglycerin liên quan đến việc hạ huyết áp của một người, nhưng ít gây đau đầu hơn.

DIỄN TIẾN CỦA BỆNH

Nứt kẽ hậu môn có thể dễ dàng tái phát khi bị táo bón hoặc bị chấn thương khác. Ngay cả khi cơn đau và đi ngoài ra máu đã giảm bớt, quan trọng là phải duy trì thói quen đi tiêu tốt với chế độ ăn nhiều chất xơ và thay đổi lối sống. Nếu bệnh tái phát mà không có nguyên nhân rõ ràng, bạn cần phải đi khám và xem xét việc điều trị lại.

Cần xem xét đặc biệt đối với những bệnh nhân

  • Mắc chứng đại tiện không kiểm soát
  • Chấn thương cơ vòng hậu môn (chẳng hạn như sau chấn thương sản khoa) hoặc
  • Các tình trạng tiêu chảy mãn tính (bệnh Crohn).
  • Ở những bệnh nhân chọn lọc này, có thể điều trị ngoại khoa như  tiêm Botulinum (Botox®) vào cơ vòng hậu môn hoặc phẫu thuật xẻ một phần của cơ vòng hậu môn trong, với tỷ lệ thành công > 90%. Sau tiêm Botox bệnh có thể tái phát ở 40% bệnh nhân, nhưng bệnh nhân có thể được tiêm lại với tỷ lệ lành tốt vết nứt kẽ.
  • Những bệnh nhân tiêm Botulinum toxin không thành công được khuyến cáo phẫu thuật xẻ  cắt cơ vòng. Tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật xẻ cơ thắt cực kỳ thấp khi được thực hiện đúng cách. Phẫu thuật được thực hiện như một thủ tục ngoại trú, trong ngày. Những rủi ro của cắt cơ vòng như đi tiêu không kiểm soát được rất hiếm. Nếu bất kỳ hiện tượng tiểu không kiểm soát nào xuất hiện sau khi phẫu thuật, nó có thể giải quyết trong một khoảng thời gian ngắn. Bệnh nhân phẫu thuật cắt cơ thắt có chất lượng cuộc sống được cải thiện nhiều so với bệnh nhân bị nứt hậu môn dai dẳng.

NẾU NỨT KẼ HẬU MÔN KHÔNG LÀNH?

Nứt kẽ hậu môn không đáp ứng được các biện pháp bảo tồn nên được kiểm tra lại.

  • Tình trạng táo bón hoặc đi tiêu lỏng dai dẳng, tình trạng sẹo vùng hậu môn hoặc co thắt cơ hậu môn đều góp phần làm cho vết thương chậm lành.
  • Các vấn đề y khoa khác như bệnh viêm ruột (bệnh Crohn), nhiễm trùng hoặc khối u hậu môn có thể gây ra các triệu chứng tương tự như nứt hậu môn.

Bệnh nhân bị đau rát hậu môn dai dẳng nên đi khám để loại trừ các bệnh lý này, nếu cần thì phải soi đại tràng và mổ sinh thiết dưới gây mê.

THỜI GIAN PHỤC HỒI SAU PHẪU THUẬT LÀ BAO LÂU?

Cần lưu ý là việc chữa lành hoàn toàn bằng cả phương pháp điều trị nội khoa và phẫu thuật có thể mất khoảng 6-10 tuần. Đau cấp tính sau phẫu thuật thường biến mất sau vài ngày. Hầu hết bệnh nhân sẽ có thể trở lại làm việc và tiếp tục sinh hoạt trong một vài ngày sau khi phẫu thuật.

NỨT KẼ HẬU MÔN CÓ THỂ DẪN ĐẾN UNG THƯ ĐẠI TRÀNG KHÔNG?

Tuyệt đối không. Tuy nhiên, các triệu chứng dai dẳng cần được đánh giá cẩn thận vì các bệnh lý khác ngoài nứt hậu môn có thể gây ra các triệu chứng tương tự.

(Nguồn: internet)

Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung, ngay cả khi vết nứt của bạn đã lành, như soi đại tràng để loại trừ các nguyên nhân khác gây đi ngoài ra máu.

Tài liệu tham khảo


error: Content is protected !!